Vào Phần Một

 

Tình Yêu là một mầu nhiệm.

Hạnh phúc là một thực tại.

Thực tại chứng tỏ mầu nhiệm.

 

Như cát bay là chứng cớ của gió.

Người ta không thấy gió, nhưng khi mắt bị bụi bay vào hay da được thổi mát mẻ đều làm cho người ta cảm thấy sự hiện diện của gío chung quanh họ.

 

Hiện tượng làm cát bay là chứng cớ khách quan cho thực tại có gío.

Sự kiện mắt bị cay vì bụi bay hay da được thổi mát là chứng cớ chủ quan cho thực tại của gió.

 

Cũng thế, người ta không thấy được chính tình yêu, nhưng, tình yêu vẫn có đó, qua những tác dụng của nó, khách quan cũng như chủ quan.

 

Tác dụng khách quan của tình yêu là làm cho tạo vật siêu thoát, (mà hiện tượng cát bay lên khỏi đất vì gió là hình ảnh tượng trưng).

 

Tác dụng chủ quan của tình yêu là làm cho tạo vật say mê, hạnh phúc, (mà sự kiện mắt bị cay vì bụi bay và da được gió thổi mát là những bằng cớ điển hình).

 

Ngoài ra,

 

Gió không những chỉ được nhận biết nơi tác dụng của nó, mà còn ở chính tác động của nó.

 

cây rung động, đó là tác động của gío. Gió hiện thân nơi hình ảnh rung động của lá cây, và cũng chỉ nhờ sự việc rung động nơi lá cây này mà gío đã có sức để thổi cho cát bay hay đê thổi cho da mát.

 

Tình yêu cũng thế.

 

Người ta thường nói: Không ai có thể định nghĩa được tình yêu. Vì nó qúa ư là mầu nhiệm. Người ta chỉ có thể nhận

biết và định nghĩa nó qua tác động của nó mà thôi, như:

 

Yêu là cho,

Yêu là tha thứ,

Yêu là cùng nhìn về một hướng, v.v.

 

Thế nhưng, trên thực tế, đâu ai thấy là tình yêu cho, tình yêu tha thứ, tình yêu cùng nhìn về một hướng, mà chỉ thấy con người yêu cho đi, con người yêu tha thứ cho nhau, và con người yêu cùng nhìn về một hướng mà thôi. Trong khi ấy, không ai phủ nhận sự hiện diện sống động của tình yêu. Bởi vì, TÌNH YÊU CŨNG LÀ MỘT SỰ CÓ, một thực thể như chính con người, nhiều khi, theo bản chất của mình, tình yêu còn chân thực, thiện hảo và tuyệt mỹ hơn con người hữu hình, hữu

hạn, bất toàn và bất lực nữa.

 

Thật ra,

 

Tình Yêu chính là một bản tính duy nhất vô cùng viên mãn.

 

Vì là một bản tính duy nhất vô cùng viên mãn như thế, đối ngoại, tình yêu có khuynh hướng vị tha, chia sẻ và hiệp nhất.

 

Vậy,

 

Nếu việc cho đi, tha thứ và cùng nhìn về một hướng nơi con người và của con người là hiện thân cho tình yêu, (vì những việc này phản ảnh trung thực khuynh hướng vị tha, chia sẻ và hiệp nhất của nó), thì bản thân của họ không phải là cơ sở sinh hoạt, là môi sinh nẩy nở của tình yêu hay sao, cho đến khi tình yêu đạt được tầm vóc đích thực của mình là công chính, tốt

lành và khôn ngoan, và cho đến khi bản thân con người được kiện toàn trong chân, thiện, mỹ, bản chất của tình yêu.

 

Con người tự nhiên có hai phương diện: hữu hình và vô hình.

 

Về phương diện hữu hình, con người được chia ra làm ba phần: đầu, mình và chân tay.

 

Về phương diện vô hình, con người, cũng thế, tương tự và tương đương như con người về phương diện hữu hình, được chia ra làm ba phần: hiện thể, hữu thể và năng thể.

 

Hiện Thể được ví và được coi như đầu của con người;

 

Hữu Thể như mình; và

 

Năng Thể như chân tay.

 

Tuy nhiên,

 

Trong ba thành phần đó, về phương diện hữu hình, nếu không có Mình thì kể như không có toàn thân, nghĩa là không có cả đầu lẫn chân tay là những thành phần vốn thuộc về Mình và bởi Mình mà ra; về phương diện vô hình, tương tự, nếu không có Hữu Thể cũng không có Hiện Thể cũng như không có Năng Thể vậy.

 

Ngược lại,

 

Về phương diện hữu hình, đã có mình phải có đầu và có cả chân tay thì thân thể của con người đó mới sống và động được. Bằng không, nếu chỉ có mình mà không có đầu, thì thân mình hay thân thể đó chỉ là một xác chết. Hoặc, nếu chỉ có mình và có đầu mà lại thiếu tay chân thì thân mình đó có sống đi nữa cũng kể như không động, (dù không phải vì thế mà hoàn toàn bất động như một tấm thân bị bệnh bất tọai).

 

Về phương diện vô hình, cũng thế, nếu có hữu thể, nghiã là có đủ cả hồn lẫn xác là bản tính thiết yếu để làm nên hữu thể của con người, mà lại thiếu hiện thể là ý thức về sự hiện hữu, tức ý thức về sự có mặt trên đời của hữu thể mình, như trường hợp của thành phần bị chậm trí bẩm sinh hay bị mất trí nhân tạo, thì hữu thể không biết mình là ai và vì thế không biết mình sống trên đời như vậy, đâu có khác gì một hữu thể vô hồn, nếu không muốn nói, trên thực hành, đâu có hơn gì một hữu thể của loài vật là loài không có lý trí như con người.

 

Còn trường hợp có cả hữu thể lẫn hiện thể, nghiã là, một con người có cả hồn lẫn xác cùng ý thức về mình là ai đang sống ở trên đời, song lại thiếu mất năng thể là ý thức sống động, là tinh thần làm người, thì con người chỉ có đầu là hiện thể và thân là hữu thể mà không có tay chân là năng thể này chỉ là một con người bất toàn và bất lực mà thôi.

 

 Bất toàn ở chỗ họ chưa thực sự hiện hữu như họ là theo đúng thân phận làm người của họ.

 

Bất lực ở chỗ họ không thể sống theo những gì họ ý thức về mình xứng đáng với thân phận làm người của họ.

 

Do đó,

 

Nếu thân thể của con người không thể thiếu ba phần là đầu, mình và tay chân thế nào, nguyên thể của họ cũng chỉ hoàn toàn khi hội đủ ba thành phần là hiện thể, hữu thể và năng thể như vậy.

 

Nhưng,

 

Đối với con người cá thể nói chung, và với con người về phương diện vô hình nói riêng, có những liên hệ gì?

 

Nói cách khác,

 

Những thành phần của con người về phương diện vô hình là hữu thể, hiện thể và năng thể là gì và làm gì trong việc thực hiện:

 

"Hạnh phúc là viên mãn yêu thương".